Bài viết này, mình hướng dẫn các bạn cách tích hợp Anhdv Boot vào ổ cứng đơn giản và thành công 100%. Cách này giúp bạn khởi động vào WinPE ngay cả khi Windows bị lỗi, hỗ trợ cả 2 chuẩn UEFI và Legacy.
Nội dung bài viết
Khi nào cần tích hợp Anhdv Boot vào ổ cứng?
Anhdv Boot hiện tại có tính năng WinPE HDD (tính năng này bị gỡ bỏ từ bản 24.2), tuy nhiên vẫn có nhiều máy không tương thích dẫn đến lỗi không khởi động được. Một số trường hợp mình liệt kê dưới đây nên tích hợp Anhdv Boot vào ổ cứng:
- Cài đặt Windows từ xa cần đảm bảo tỷ lệ khởi động thành công cao nhất.
- Không có USB hay ổ gắn ngoài để tạo boot
- Cần dùng Anhdv Boot cứu hộ máy tính khi Windows bị lỗi
- Máy tính không được phép cắm USB
- Hay đơn giản là thích vọc vạch ..
Cách tích hợp Anhdv Boot vào ổ cứng cho máy chuẩn UEFI
Với máy tính dùng chuẩn UEFI – GPT (máy mới giờ đều UEFI) thì cách tích hợp vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần tạo phân vùng FAT32 và copy hết nội dung của Anhdv Boot vào là xong. Khi khởi động máy tính bấm phím tắt vào Boot Menu là sẽ có thêm lựa chọn vào Anhdv Boot. Còn chi tiết cách làm bạn theo dõi ở dưới:
Trước tiên cần tạo một phân vùng FAT32 ở ổ cứng bất kỳ, nên ưu tiên chọn ổ cứng có tốc độ nhanh nhất. Sau khi tải về Anhdv Boot và giải nén ra bạn sẽ thấy thư mục Tools, chạy phần mềm PartitionWizard10 ở đó.
Nhấp chọn phân vùng còn trống ít nhất 10 GB (hình trên là ổ D) > chọn Move/Resize Partition. Đặt con trỏ chuột như mục 3 hình trên, giữ chuột trái và kéo về bên trái, quan sát ô Unallocated .. khoanh đỏ đến khi được giá trị mong muốn (cần lớn hơn 4 – hình là 5.13 GB). Bấm OK để hoàn tất.
Bạn sẽ thấy xuất hiện thêm phân vùng mới hiển thị Unalocated (chưa định dạng). Chọn phân vùng vừa tạo (1) > chọn Create Partition (2). Đặt tên cho phân vùng chẳng hạn Anhdv Boot, chọn FAT32 ở File System (4) > bấm OK (5) rồi Apply (6) để hoàn tất. Đợi đến khi báo thành công thì thoát phần mềm.
Lúc này trong This PC (hay My computer) sẽ có thêm phân vùng với tên vừa tạo (Anhdv Boot). Bạn nhấp đúp file ISO Anhdv Boot (Windows 7 có thể dùng 7z để giải nén), copy toàn bộ nội dung file ISO vào phân vùng vừa tạo.
Hình trên bên trái là nội dung file ISO Anhdv Boot, bên phải là phân vùng FAT32 tạo ở trên. Nếu dùng bản Premium thì cần copy KEY vào mục Apps/OEM. Copy xong là bạn có thể khởi động vào WinPE của Anhdv Boot, kể cả Windows bị lỗi thì vẫn OK.
Ví dụ, máy mình dùng Mainboard Gigabyte, khi bấm F12 trong lúc khởi động máy thì sẽ có menu này xuất hiện
Trong hình trên thì có thêm dòng UEFI OS chính là lựa chọn khởi động vào WinPE của Anhdv Boot.
Cách tích hợp với máy tính dùng chuẩn Legacy – MBR
Với máy tính dùng Legacy – MBR thì làm đủ các bước như với UEFI. Để khởi động được vào phân vùng chứa Anhdv Boot bạn cần Set Active cho phân vùng này. Set Active có thể thực hiện sau khi định dạng FAT32 bằng phần mềm Partition Wizard ở trên (nhấp phải chọn phân vùng FAT32 vừa tạo và chọn Set Active)
Lưu ý: Nếu phân vùng chứa Anhdv boot nằm trên ổ cứng cài Windows thì việc Set Active lại sẽ làm cho khi khởi động sẽ vào Anhdv Boot thay vì Windows. Vì vậy, nên dùng tính năng WinPE HDD trước đối với máy tính Legacy. Nếu WinPE HDD lỗi thì dùng cách tích hợp ổ cứng khác phù hợp với Legacy hơn ở đây. Cách ở bài viết này với Legacy mình không khuyến khích, chỉ dùng khi không còn cách nào khác, hay muốn cài lại Windows.
Kết luận
Việc tích hợp Anhdv Boot với WinPE vào ổ cứng rất đơn giản và an toàn với máy tính chạy UEFI. Máy tính dùng Legacy thì bạn nên cân nhắc thực hiện. Hướng dẫn tích hợp trên có thể dự phòng cứu hộ máy tính khi Windows bị lỗi. Like Fanpage để nhận được thông tin sớm nhất về các bộ cài Windows khác. Chúc thành công!